Ngày 6-5, ông Châu Quốc Khải, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Chế biến gỗ Cà Mau tuyên bố đóng cửa bởi không đủ nguyên liệu để hoạt động.
Trao đổi với chúng tôi, ông Khải không giấu bức xúc: “Đây là quyết định hết sức đau đớn của tôi. Nhà máy gỗ đóng cửa hơn 500 công nhân thất nghiệp, nợ ngân hàng tôi phải lo gánh. Tôi không thể chấp nhận thái độ hết sức bàng quan của chính quyền địa phương không xem xét quyền lợi của người dân, giúp nhà đầu tư thực hiện dự án”.
Ngày 16-7-2013, sau gần một năm xây dựng, nhà máy gỗ trị giá hơn 200 tỷ đồng đã được vận hành với công suất là 200.000 tấn nguyên liệu/năm gồm chế biến gỗ thành phẩm và than nén. Ông Khải cho biết, hiện nay, gỗ nguyên liệu từ cây keo lai vào tuổi thu hoạch nhưng không vận chuyển được do Chi cục kiểm lâm xây nhiều đập trên tuyến kinh chính.
Ông Khải mạnh dạn đầu tư Nhà máy gỗ Cà Mau hơn 200 tỷ đồng với quy trình khép kín.
Phát hiện những bất cập trên, đầu năm 2013, công ty đề nghị chính quyền địa phương thực hiện giải pháp đặt cần cẩu dây ngay tuyến kinh thuộc xã Khánh Thuận, huyện U Minh. Đây là tuyến kinh chính giúp người dân và thương lái dễ dàng vận chuyển lâm sản thuận lợi.
Thế nhưng 2 năm qua, giải pháp trên không được ngành nông nghiệp thực hiện. Vào thời điểm này, nước cạn lại thêm những con đập ngăn sông cấm chợ nên sản phẩm của người dân bán không ai mua; nhà máy chờ nguyên liệu.
Ngoài chế biến gỗ thành phẩm, công ty sản xuất giống keo lai phù hợp vùng đất U Minh hạ đầu tư cho người dân dưới tán rừng.
Ông Khải cho biết thêm: “Hai năm qua, tôi trả lương hàng chục tỷ đồng để công nhân thạo nghề đến khi nhà máy chính thức hoạt động lại không có nguyên liệu do thủ tục nhiêu khê của chính quyền địa phương”.
Hiện nay, lâm phần rừng kinh tế, nhiều cái đập do Chi cục kiểm lâm làm chủ đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng bằng ngân sách đã ngăn sông cấm chợ.
Do lâm sản bán không được, sản phảm của người dân ứ đọng dọc tuyến kinh.
Nơi lắp đặt cẩu 2 năm qua không được thực hiện do cơ chết
Mô hình của công ty khép kín. Ngoài chế biến gỗ, công ty còn cơ sở sản xuất cây keo lai giống để đầu tư cho người dân. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, việc đặt cẩu không thực hiện được là do vướng 2 cây cột điện.
Thương lái vào mua nhưng giá rẻ do trừ chi phí vận chuyển.
Các ban ngành liên quan đang lập dự toán di dời và xin kính phí tỉnh hơn 200 triệu đồng. Khi nào hoàn tất thủ tục mới thực hiện đặt cẩu. Đây cũng là một trong những lý do nhiều năm liền, tỉnh Cà Mau có chỉ số năng lực cạnh tranh thấp nhất so với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long dù nơi đây có nhiều tài nguyên.
Theo phản ánh người dân, việc xây đập lợi ích nhóm, Chi cục kiểm lâm tỉnh làm chủ đầu tư, cán bộ lâm trường và địa phương nhận thầu cầu kéo (Trong ảnh, cầu kéo tại con đập xã Khánh Thuận, huyện U Minh)
Theo Congan.com.vn